Dạt Vòm
Phan_2
Công ty chị tôi làm việc liên tục xe ra vào. Những gã quản lý nước ngoài mặt lạnh lùng, diện những bộ suit xám thật mốt. Các nhân viên người Việt thắt cravat lụa, dáng vẻ đăm chiêu. Tất cả đều bận rộn, hoặc ra vẻ bận rộn. Chẳng ai buồn chú ý đến một tên vô công rồi nghề lảng vảng gần cổng. Chờ rất lâu, vẫn không thấy chị Minh, tôi lủi thủi bỏ về. Bỗng, trườn lên vỉa hè một cái ô-tô BMW. Vỏ sơn bạc. Kính đen sẫm. Chà, đường lượn mũi xe mới tuyệt chứ. Hẳn cái gã chết tiệt thiết kế mẫu xe này đã mơ đến một quả đĩa bay. Tôi ngắm từng chi tiết xe, tràn đầy thán phục. Cửa sau bật mở, êm ru. Một đôi chân dài màu nâu. Chiếc váy xám thanh lịch. Rồi chị Minh bước xuống. Giá có một thiên thạch choảng xuống đầu lúc ấy, tôi cũng không ngạc nhiên đến thế. Gã tài xế bấm còi, để tôi biến đi cho khuất mắt, không cản đường. Nhưng tôi vẫn đứng im, há hốc miệng, như thằng ngốc thứ thiệt. Nhận ra tôi, chị Minh cũng sững sờ, gò má tái nhợt dưới lớp phấn da cam. Có lúc, tôi ngỡ chị tôi sẽ quay lại xe, đóng sầm cửa, phóng đi. Nhưng rồi lấy lại bình thản trong chớp mắt, chị tôi búng nhẹ ngón tay, ra hiệu: "Theo chị, nhanh lên!". Chị tôi rảo những bước dài, đi về hướng một quán điểm tâm hạng sang. Tôi thọc tay vào túi quần, lê bước cách quãng phía sau, ỉu xìu và buồn bã.
Chị Minh chọn bàn gần cửa sổ. Cái bình đất nung đỏm dáng cắm hoa cúc đặt giữa khung gỗ. Mùi lá hăng hắc. Rèm cửa trong suốt, sạch sẽ. Những gương mặt chung quanh thờ ơ mỉm cười, khoan khoái và no nê. Mọi thứ đột nhiên chìm vào màn khói xám. Các hình ảnh nối tiếp, hệt trong bộ phim ngợi ca sự no đủ và an toàn vĩnh cửu. Trước kia bao nhiêu lần tôi ghé chỗ này, hờ hững, vô tư lự. Chẳng bao giờ tôi quan tâm mình ăn gì, cũng như chưa bao giờ tôi biết sẽ phải đương đầu khó khăn vô vàn ra sao nơi thế giới ngoài kia. Vậy mà giờ đây, mùi thức ăn làm tôi ruột gan tôi nhói đau. Trong đầu tôi, bám đầy các lo lắng kỳ quặc: Làm sao có thể ở trọ trong thời gian sắp tới. Khi món tiền cuối cùng bán cái mobile hết đi, tôi sẽ kiếm miếng ăn bằng cách nào...
- Em đói lắm, đúng không? - Chị Minh nhìn tôi qua miệng cốc cà phê.
- Gần một tháng, em không ăn cơm. Toàn mì gói và bánh mì - Tôi thú nhận.
- Muốn về nhà chưa? - Chị hỏi thẳng thắn, không bày tỏ lòng xót thương.
- Em không nghĩ đến chuyện ấy! - Đột nhiên, giọng tôi cứng lại.
- Không nên cố chấp. Mọi người sẽ xem như chưa có gì xảy ra.
- Nhưng em biết, có nhiều thứ đã xảy ra.
- Chị sẽ không kể lể thời gian qua gia đình đã nghĩ gì, đã lo lắng thế nào. Okay! Nào nói đi, em tìm chị có việc gì?
- Em cần một ít tiền! - Tôi nuốt nước bọt, nói khó khăn.
Chị mở ví, đếm nhanh vài tờ bạc lớn, gấp nhẹ, đưa cho tôi.
- Thật khoái khi có nhiều tiền! Đi lại bằng BMW càng dễ chịu hơn. Nhảy xe bus và chen chúc vào giờ cao điểm không hay ho chút nào! - Tôi nhận xét thành thật.
Chị im lặng, gương mặt tối sầm trong phút chốc.
Thức ăn mang ra. Mình tôi hai suất. Tôi chăm chú ăn, gắng giữ không cho khớp tay run lên. Một cú điện thoại gọi đến. Chị Minh trao đổi bằng tiếng Anh. Tôi hiểu loáng thoáng. Cuộc hẹn nào đó tối nay, ở Jazzy Garden, nơi tụ tập của giới làm ăn.
- Chị đã phát điên lên khi không liên lạc được với em. Mobile đâu? Tại sao da em tái mét thế kia? Em thiếu thốn những gì? - Chị Minh ném về tôi những câu hỏi, tiếp tục nhìn tôi như quan sát một tiêu bản ngâm phooc-môn trong phòng thí nghiệm.
- Em chỉ cần một PC mà thôi. Để vẽ, và viết linh tinh. Thú thật là em không lường trước khó khăn khi các máy móc tiện nghi biến mất khỏi đời sống.
Cái lap-top cũ chị vẫn dùng được nhấc ra khỏi cặp. Thu hết dữ liệu vào USB, rồi chị Minh quàng dây đeo cặp đựng lap-top qua vai tôi, lẩm bẩm:
- Giữ lấy mà dùng!
Chị đưa tôi thêm chìa khoá và giấy tờ xe máy, bảo tôi lát nữa ghé vào nhà xe công ty chị làm việc. Xe máy của chị lâu nay gửi nơi đó, không sử dụng. Tôi tò mò:
- Dạo này chị đi lại bằng cái BMW rất oách đấy ư? Của ai thế?
- Một người bạn trai. Chị quen biết người ấy thời du học. Anh ta về nước mở công ty đầu tư tín dụng. Chị làm part time ở bộ phận kiểm soát tài chính. Làm vào buổi tối. Ban ngày, chị vẫn đi làm văn phòng cũ... Từ lâu rồi, anh ấy quý mến chị. Hơi đặc biệt một chút.
- Chị bắt đầu công việc mới khi nào? - Đầu ngón tay tôi lạnh như kim châm.
- Khoảng một tháng nay. Khi em bỏ đi, chị cũng chợt nghĩ cần làm một điều gì đó, giống như tạo ra một sự thay đổi...
- Ba mẹ biết mối quan hệ này chứ? - Tôi thô bạo cắt ngang lời chị.
- Không biết. Vì anh ấy hiện đã có gia đình. Họ ở xa! - Chị nói rất nhanh, không nhìn tôi nữa.
- Tình yêu ư?
- Chị không chắc chắn, Huy ạ. Nhưng, đôi khi, chị rất sợ cô độc.
- Chị thích những thứ anh ta mang đến. Như cái BMW ấy, phải không? - Tôi hỏi tàn nhẫn.
Chị nhìn lơ đãng qua vai tôi, nhè nhẹ gật đầu. Ngón tay tôi. Bàn tay tôi. Cánh tay tôi. Rồi cả người tôi lạnh toát, tê dại. Khác nào một con rắn lục lao đến tôi, bất thần mổ mạnh, nọc độc đang thấm vào mọi ngóc ngách sâu thẳm dưới da. Tôi nhớ đến Xuyên. Tôi nhớ mùi thơm tàn úa bao quanh cậu ta. Cái mùi thơm ấy cũng phảng phất lúc này đây. Tôi nhìn chị tôi. Đẹp đẽ. Học giỏi. Hiểu biết mọi thứ. Từng can đảm làm trái ngược những điều tầm thường xung quanh. Thế mà...
Như một tên điên, tôi quờ tay chộp lấy bình đất nung, ném choang. Những người trong quán ngoảnh nhìn. Tôi cóc cần. Tôi muốn đập vỡ mọi thứ. Tôi muốn rú lên man rợ. Tôi muốn chết quách đi cho xong. Một gã phục vụ to béo nhào đến, chộp cổ tôi. Gã vặn vai tôi đau điếng. "Đừng, em trai tôi đấy!" Chị Minh lên tiếng. Không! Thèm muốn được gào lên gần như vỡ tung trong tôi. Bàn tay sực mùi dầu của gã phục vụ bịt chặt miệng làm tôi gần như nghẹt thở. Nhưng, đột nhiên, nhanh đến không ngờ, tôi bình tĩnh trở lại. Tôi vùng ra khỏi bàn tay to béo. Rút cuộn tiền chị cho ban nãy, tôi đặt lên bàn. Tôi nhặt chìa khoá và giấy tờ xe. Tôi đeo lại cái cặp lap-top. Những thứ đồ cũ giờ đây chị đâu cần đến nữa. Tôi lảo đảo rời quán. Chóng mặt khủng khiếp.
Ở khúc quanh vắng lặng, đầu gối của tôi bỗng run lên bần bật. Hệt như ngày còn nhỏ, đi chơi về đột ngột cảm nắng. Tôi vịn tay vào bức tường. Một cái gì đó dâng lên trong lồng ngực tôi, đau đớn quá. Tôi úp mặt vào một bức tường. Chua xót. Cay đắng cùng tận. Lần đầu tiên, kể từ khi rời nhà đi, tôi bật khóc...
Ừ, tôi sẽ không xin xỏ cậy nhờ ai nữa. Tôi cần tự kiếm công việc nào đó để sống. Tôi sẽ sống được, bằng chính sức tôi. Nghĩ thế, mà sao những hạt nước mắt to vẫn mãi ứa ra, nặng trĩu.
Chương 5
Trong đám đồ cũ từng nhét trong kho, là căn phòng tôi ở bây giờ, có một chiếc TV nhỏ dính đầy bụi. Tôi hỏi ý bà chủ nhà rồi tự mầy mò sửa chữa. Sau một tuần, nó hoạt động trở lại. Buổi tối, tôi ngồi duới sàn, chăm chú theo dõi tất cả các bản tin thời sự thế giới. Một cuộc sống bên ngoài đổ ập vào. Các thông tin chiến sự, đủ thứ thảm hoạ động đất bão lụt như các đợt sóng liên tục, nhận chìm tôi xuống tận đáy căng thẳng và buồn bã. Chỉ là chuyện của người ta thôi mà. Dính líu gì đến tôi đâu. Chỉ cần tôi tự vạch ra một đường biên, xây lên một bức tường kính trước mặt, thì tôi sẽ ổn thoả hết mà. Tôi tự trấn an. Nhưng cái đầu óc lộn xộn và quả tim hay xúc động ngớ ngẩn của tôi chẳng biết cư xử cho phải lẽ. Chúng làm tôi thắt đau. Mấy lúc như thế, tôi tắt phụt TV, đóng sập lap-top, úp mặt vào gối, run bần bật. Tôi được sinh ra để làm gì chứ? Liệu tôi có thể tự điều khiển cuộc sống của tôi ra hồn không? Điều gì chờ tôi phía trước? Nếu tình trạng trống rỗng vô tích sự này tiếp diễn, tôi chết quách đi có lẽ hữu ích hơn cho trái đất vốn đã quá dư thừa các sự kiện chẳng ra gì. Một buổi tối, gần như sắp nhào đầu từ chạc cây mận xuống khoảnh đất phủ đầy nhuỵ hoa lả tả trắng xoá, tôi chợt choàng tỉnh. Những vấn đề choảng mạnh vào tôi, khiến tôi đau nhói thật ra đến từ những người khác. Là chị Minh, là Xuyên, là cả cô gái chết tiệt đã đánh thó ví tiền. Gục ngã vì những điều bên ngoài ấy thật không ra sao. Cái chính là tự sắp xếp, giải quyết được những vấn đề ngay trong tôi. Ừ, nếu không, tôi sẽ biến thành kẻ xa lạ với chính mình. Thoát ra khỏi tình trạng mất phương hướng, trước tiên tôi cần tìm việc làm. Bất kể một việc gì đó. Để không rảnh rỗi nghĩ ngợi mà phát điên lên. Và để có tiền mà sống cái đã.
Các ngày cuối tuần, thi thoảng bà chủ nhà nhờ tôi chở trên chiếc xe máy đến một siêu thị trong khu trung tâm. Hoàn toàn hài lòng về việc được đưa đón an toàn, bà cho phép tôi sử dụng chung cái tủ lạnh to tướng phía sau nhà bếp. Tôi chẳng có gì để cất vào tủ ngoài vài chai nước lọc và một cái hộp nhôm đặt trên ngăn đá để có đá lạnh. Từ cái công việc vụn vặt này, tôi chợt nghĩ ra tôi có thể kiếm tiền từ chiếc xe.
Một buổi tối, thu hết can đảm, tôi thay bộ quần áo sạch sẽ dễ coi nhất. Chiếc xe Viva ban chiều đã được chùi rửa sạch, bóng loáng lên như một con ngựa nhỏ, lo lắng đứng nép dưới gốc mận, chẳng biết chuyện gì sắp xảy ra. Cách cái xe bán thuốc lá và kẹo chewing gum một quãng, tôi gạt chống, ngồi trên yên, chống cằm. Mắt dán chặt vào từng bóng người đi bộ lướt qua trên hai bên vỉa hè, tôi bắt đầu một niềm hy vọng kiên nhẫn, chờ đợi người khách đầu tiên.
Suốt ba ngày liền, tôi đợi như thế. Ngồi im quan sát, tôi phát hiện ra có rất nhiều người sử dụng xe ôm. Tuy nhiên, bọn họ luôn có các mối xe quen thuộc. Không ai để ý đến tôi cả. Tôi bồn chồn, đôi lần muốn lên tiếng chào mời một ai đó khả dĩ. Thế nhưng câu nói mãi mắc kẹt trong cuống họng. Một lần nọ, mệt mỏi và thất vọng, tôi lấy tiền lẻ, số tiền mà tôi xếp sẵn trong túi áo chemise, làm tiền trả lại nếu có khách hàng trả giấy bạc lớn, mua một cây kẹo chewing-gum. Cô bán hàng sún răng nhìn tôi ngờ ngợ, cười khoe hàm răng sún mất hai chiếc, hỏi tò mò:
- Đứng đây hoài chi vậy cưng?
Tôi so lệch một bên vai, hất đầu ra sau và hơi nheo mắt, điệu bộ mà tôi xem chán chê của các tay anh chị trên phim Hàn, ráng lấy giọng hờ hững:
- Cưng cái gì! Chị biết tui bao nhiêu tuổi rồi không?
- Trời, dữ dằn vậy đa! - Tiếng kêu vang lên, nghe tựa luồng gió phào ra từ ô cửa sổ mất cánh - Mà nói thiệt đi, cậu đứng đây mấy hôm rày. Chờ ngóng ai vậy?
- Chờ khách! - Tôi đáp tỉnh rụi.
- Khách gì? - Đôi mắt đối diện trợn lên.
- Khách xe ôm chứ khách gì! - Tôi gắt. Chợt, tôi phát hoảng, lạnh toát lưng. Lẽ nào chị ta tưởng tôi là một gã chết dẫm biến thái đứng chờ đón khách đêm ư?
- À, ra vậy ta? Hí hí! - Chị bán hàng vỡ lẽ. Rồi chị ta ngoẹo đầu, cười ngặt nghẽo, không sao ngừng lại được. Rồi chị ta đột ngột ngưng lại, ngó tôi lom lom, nhận xét - Cậu trông như vầy, ai mướn cậu chạy xe ôm!
- Vậy phải làm sao? Chị giúp em đi! - Tôi đề nghị.
Chị sún răng biến vào hẻm nhỏ bên kia đường. Mươi phút sau, chị hiện ra, đi cùng người đàn ông gầy gò, cao lêu khêu, đôi vai thẳng kỳ quái như được nẹp bằng thanh tôn. Ông ta nhìn lướt qua tôi, nói một câu duy nhất qua kẽ răng: "Theo tao!".
Khách đi xe đầu tiên của tôi là một người đàn ông bán bưu thiếp và xâu móc chìa khoá ở vỉa hè ban đêm cho dân Tây bụi. Mái tóc toả mùi dầu sáp cũ kỹ, ông ta bắt chuyện với tôi, các câu nói đều có pha đôi ba từ tiếng Anh hay tiếng Pháp, nghe thật quái gở. Sau đó, khi tôi còn láng cháng gần vỉa hè, một chị khoảng 30 tuổi đeo kính trắng, trông như một cành cây héo úa, tay và vai khô khẳng, nhưng lại diện một cái áo lộng lẫy hở lưng thật rộng vẫy xe tôi, yêu cầu tôi chở đến điểm diễn cách đấy 3 cây số. Chị ta cười khành khạch khi tôi giật thót, biết chị là một violinist kỳ cựu. "Thỉnh thoảng tôi có hát! Nhạc jazz hẳn hoi nhé. Nhưng chỉ những dịp thật đặc biệt!". Tôi hỏi chị ta có hát được vài bài của Elia không. Ồ, ca sĩ mà chị ta mê thích nhất. Giá bà ta còn sống, chị cảm thấy cuộc sống công bằng hơn nhiều. Chị này có lẽ hơi khùng. Tôi nghĩ. Tuy nhiên, cảm giác căng thẳng và ngượng ngùng cũng bay biến dần theo những mẩu đối thoại không đầu không đuôi.
Tới nơi, violinist tàn héo trong các quán nhạc đêm trả cho tôi gấp đôi số tiền công mặc cả lúc đầu. "Hút không?" - Chị ta chìa ra một hộp thuốc lá trắng. Tôi lắc đầu. Đôi môi tô son đỏ thẫm, trong bóng tôi gần như màu đen, nở một nụ cười thoáng qua. "Diễn xong ở đây, chị có đi đâu nữa không? Em chờ ngoài này nhé!" - Tôi đề nghị. Chị ta không trả lời, quay lưng, biến mất sau cánh cửa gỗ mở hé của quán nhạc. Tôi dự định sẽ ngồi trên vỉa hè chờ violinist kỳ quặc ấy, chở chị ta về. Tôi không muốn nhận quá nhiều tiền ngoài công sức của mình. Mặt khác, tôi cũng không phải chạy rông ngoài đường làm chi, vừa mệt, vừa hít bụi, lại vừa tốn xăng.
Tôi gạt chống xe, ngồi co chân trên yên. Bỗng, từ trong một góc khuất cảu con hẻm nhỏ, mấy người đàn ông từ đâu ào tới, vây quanh. Gương mặt họ nổi lên trong bóng tối như các đầu tượng điêu khắc bằng đồng thau bị gò gẫm, cách điệu quá tay. Hoặc quá gầy, hoặc quá xương xẩu. Hầu hết đều đen bóng. Cánh xe ôm khu vực này. Thoáng nhìn tia mắt vằn lên và những nắm tay siết lại của họ, tôi hiểu ngay tình thế nguy hiểm sắp rơi vào. Luống cuống vặn khoá, tôi rồ ga, phóng ào đi. Gió đêm quất vào ngực tôi, lạnh nhói.
Đêm đó, xe tôi còn đón thêm người khách nữa. Một gã châu Á sặc mùi rượu. Một anh chàng hơn tôi vài tuổi, bước ra từ một sàn nhảy. Anh ta không có mùi rượu, nhưng chân đi cũng không vững. Có lẽ anh ta chơi thuốc lắc. Bọn họ trả công cho tôi không tệ. Cuộc sống về đêm. Các vệt màu sặc sỡ pha màu bóng tối. Bao nhiêu mùi vị của người, của những khối không khí tản mát lúc rời rạc, lúc trộn nhập vào nhau. Các giọng nói vươn ra từ gương mặt nào đó, những âm thanh vô số thoát ra từ một ngóc ngách chẳng thể ngờ được... Hệt như về đêm, thành phố biến hình. Vẫn những tên đường, những địa điểm đã thành cột mốc trong trí nhớ. Nhưng nó bỗng trở nên hoàn toàn xa lạ. Và tôi buộc phải lần mò, học quen với nó lại từ đầu.
Hơn một giờ sáng, tôi về đến con hẻm ở trọ. Một con mèo đi ung dung trên hàng rào. Bóng đèn xe tôi phớt qua lớp lông đen mun của nó. Một bác bảo vệ đi làm về, vẫn đội cái mũ sùm sụp, chạy chiếc xe máy đời xưa cũ, bóng đổ dài. Chị sún răng vừa thổi tắt ngọn đèn dầu châm thuốc, dọn dẹp xe hàng. Tôi rề xe chậm lại, tấp vào lề, toan nói với chị ta vài câu cảm ơn thì người đàn ông cao lêu khêu có đôi vai nẹp nhôm hiện ra.
- Tối nay được nhiêu? - Giọng ông ta đều đều.
- Một trăm năm mươi ngàn. - Tôi thử mỉm cười, lúng túng.
- Nộp tao trăm tư!
- Sao lại vậy? - Tôi thốt lên, sau một quãng im lặng sững sờ.
- Tiền bãi. Tiền công tao dắt mày vào nghề!
- Không... À, tôi sẽ đưa. Nhưng ít hơn... - Tôi thì thào.
Người đàn ông im lìm, bước thêm một bước, sát vào tôi. Dáng lêu khêu như một bóng ma đáng sợ. Qua vai ông ta, tôi thấy đôi mắt đau đáu của chị bán thuốc. Tôi chợt hiểu không thể kháng cự. Đánh nhau ư? Có ích gì chứ. Cuộc sống về đêm, một khi muốn gia nhập, thì cũng phải tuân theo những quy luật của nó. Tôi móc hết tiền trong túi áo, chỉ giữ lại tờ mười ngàn.
- Kể từ mai, nếu muốn làm xe ôm ở đây, muốn có khách, muốn không bị tụi khác đập, mỗi ngày mày phải nộp tao hai chục. Hiểu chưa?
Tôi nuốt nước bọt, gật đầu. Ông ta cùng chị sún răng đầy xe về nhà. Họ là vợ chồng. Tôi hiểu ra mọi việc. Nhưng, tôi chẳng còn sức lực để ngạc nhiên nữa.
Tôi trở thành người chạy xe ôm buổi tối. Tôi để mặc cho con Viva dính bùn đất bẩn thỉu. Tôi buộc cái áo mưa trên đuôi đèn, dấu hiệu rõ nhất để khách biết tôi là xe ôm chuyên nghiệp. Gã cao kều vẫn thu tiền đều đặn của tôi. Gã ta giới thiệu tôi mối chạy xe đều đặn, mỗi tuần bốn buổi đưa đón một bà giáo dạy tiếng Nhật ở trung tâm ngoại ngữ. Tiền công tháng cố định 300 ngàn đồng. Bà giáo biết tôi còn đi học, hứa hẹn sẽ thưởng thêm nếu tôi đưa đón cẩn thận và đúng giờ. Tuy nhiên, có lần bà ốm, nghỉ hai buổi, khi trả lương, bà tự trừ trước của tôi 50 ngàn đồng. Tôi định nói với bà ấy rằng theo quy tắc, bà ấy tự nghỉ, thì vẫn phải trả đầy đủ lương cho tôi. Nhưng việc tranh cãi với một người lớn tuổi hơn, lại luôn nói những điều cao quý, chỉ vì vài chục ngàn đồng khiến tôi ngán ngẩm. Nếu bảo tôi không thất vọng tí chút thì là bốc phét. Tôi kiếm gã cao kều, trả tiền cò trước khi bị hăm dọa. Gã ta bảo tôi cất đi. Gã không lấy khoản tiền đó. Coi như có việc thì giúp nhau, gã nói. Vậy đấy, lơ láo ra đời, ngay chuyện nhỏ nhặt như tiền bạc, cũng đã bao nhiêu chuyện lạ lùng không thể biết trước. Chỉ có sống trong đó, lặn hụp vào, và gắng mà nhớ lấy.
Giữa tuần, tôi đón người khách cuối cùng vào khoảng hơn 12 giờ khuya. Thật may mắn, anh ta cho địa chỉ gần nơi tôi trọ. Theo hướng dẫn của anh ta, tôi rẽ vào một con đường nhỏ vắng lặng. Ngay khi dừng lại, tôi cảm nhận một cú đập mạnh phóng đến từ phía sau. Một cách vô thức, tôi nghiêng người qua bên trái, theo chiều thuận của tôi. Cú đập sượt qua, nện vào vai tôi đau điếng. "Cướp xe!" - Tôi gào lên, ngoảnh lại. Cú đấm nữa, trúng gò má. Mắt tôi tối sầm. Tôi nắm chặt chìa khoá trong lòng tay, giữ chặt cổ xe. Thêm một cú đá vào sườn. Gã khốn kiếp này mới mạnh làm sao. Xương tôi kêu lên răng rắc, như bị bàn tay khổng lồ bóp nghiến. Tôi hộc lên, khuỵu xuống. Tiếng la to thất thanh của ai đó xé toạc bóng tối. Tiếng chân người bỏ chạy. Vị mặn của máu trào lên trong miệtng. Trời đất quay tròn. Gần như tôi thỉu đi vì đau. Rồi, tựa làn sóng từ xa dội đến, tôi cảm nhận một làn hơi ấm nóng. Mùi bàn tay thoảng nhẹ. Cảm giác mềm mại nào đó của một bộ ngực, thật lạ lùng. Có lúc, tôi ngỡ như con người tôi được tạo ra bởi máu và những dây thần kinh ấm áp. Tôi dần dần tỉnh táo hơn. Tôi mở to mắt. Trên cao, trời đêm mượt như nhung. Gió luồn qua chân tóc. Tôi đang nằm gối đầu trong lòng một cô gái. Cô ta cúi xuống, nhìn vào mắt tôi. Đột nhiên, tôi chóng mặt khủng khiếp. Không phải vì cú đánh của tên cướp xe. Không vì gió lạnh...
Gương mặt cúi xuống nhìn tôi chính là cô nhóc đã đánh thó chiếc ví của cái ngày đã rất xa xăm.
Chương 6
Khuya khoắt, đường phố không bóng người. Những tháng cuối năm, càng về đêm trời càng lạnh. Vài miệng cống bốc lên làn khói xám nhạt. Đi qua các vòm cây, không khí về đêm như một dòng nước tinh khiết bé xíu, luồn lách vào phổi, làm dịu cảm giác dập nát trên gò má. Máu vẫn rỉ trong miệng mằn mặn. Nhà trọ cách đây không xa nhưng việc phải cuốc bộ, đẩy theo cái xe nặng trĩu không nổ được máy khiến đoạn đường dài ra bất tận. Thỉnh thoảng, mũi chân tôi đá vào một hòn gạch vỡ đau điếng. Âm thanh lọc cọc của cái xe vang động trong đêm tối, nghe khó chịu khủng khiếp. Thế nhưng, điều khiến tôi lo âu hơn cả là cái bóng người im lặng đổ dài, lúc nhô lên phía trước, lúc tuột xuống phía sau ở ngay sau lưng tôi...
Ban nãy, nhận ra cô nhóc ăn cắp, tôi đã phát hoảng, nhắm mắt thêm vài phút lấy lại trấn tĩnh. Rồi tôi vùng dậy, lảo đảo tách ngay ra khỏi cô ta. Thật bất ngờ, cô ta hoàn toàn không nhận ra tôi. Tôi chỉ là một trong vô vàn nạn nhân thôi mà. Gương mặt cô gái hiện thoáng qua khi tôi bật lại đèn xe. Đôi mắt to hướng về tôi chăm chú. Một cái mím môi bướng bỉnh kỳ quặc. Dựng lên chiếc xe đổ nghiêng, tôi tìm cách thoát khỏi đoạn đường tối om và cô gái nguy hiểm càng nhanh càng tốt. Đi được một quãng, tôi phát hiện có bóng người bám sát theo sau. Lẽ nào là tên cướp xe vẫn không buông tha tôi. Tôi ngoảnh lại thật nhanh. Bóng người nép ngay vào cột điện. Tôi kịp nhận ra đuôi tóc bay tung lên trong phút chốc. Cô nhóc ăn cắp. Tim tôi đập chậm hơn. Tôi tin mình không để cô gái quái quỷ đẩy vào tình cảnh nguy khốn thêm một lần nữa. Cô nhóc đi cách tôi một quãng. Những bước chân lếch thếch. Tiếng giày miết nhẹ trên các phiến gạch vỉa hè. Tôi đẩy xe nhanh hơn. Tiếng chân bước phía sau cũng rảo lên vội vã.
Tôi rẽ vào con hẻm có nhà trọ. Đừng hòng bám theo nữa nhé, hỡi cô gái của bóng tối, hiện thân đáng sợ của những cơn ác mộng. Thế nhưng, đúng lúc tôi thở phào nhẹ nhõm, đuôi xe tôi có người ghì lại, không thể nhúc nhích. Cô gái nhỏ. Cô ta vịn chặt đuôi xe. Ngay dưới vùng sáng của một ngọn đèn đường, cô nhóc đăm đăm nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to tướng ánh lên tia sáng kỳ quặc làm tôi rùng mình. Cô nhóc lên tiếng trước:
- Anh cho em vào nhà được không, Huy?
- Biết tên tôi hồi nào vậy? - Tôi hỏi, sau hồi lâu nín lặng kinh ngạc.
Không đáp, cô nhóc bước lên gần tôi hơn. Như phép ảo thuật vậy, khi rút tay khỏi túi áo khoác, trong tay cô là chiếc ví da và điện thoại di động. Điên thật, tên tôi luôn cài sẵn trên màn hình! Cô nàng vẫy vẫy chúng trước mũi. Cả hai thứ đều là của tôi. Miệng tôi đắng ngắt. Cô ta đã móc túi tôi một lần nữa, lúc tôi ngất đi, có lẽ. Tiếng cười khẽ, nửa van xin, nửa thách thức:
- Đừng sợ. Em sẽ trả lại chúng cho anh. Nếu anh cho em vào nhà. Tên em là Châu. Ban nãy, em bị tống cổ ra khỏi nhà...
Không còn lựa chọn nào khác. Tôi không muốn mất chiếc điện thoại cũng như cái ví đựng tất cả gia sản quý giá. Mặt khác, một khi "nhốt" được cô nhóc trong khuôn viên khu vườn nhà, tôi tin mình sẽ là người làm chủ tình thế. Mọi việc ắt dễ dàng hơn. Tôi phải lấy lại những thứ thuộc về mình. Và trả thù luôn vụ mất cắp khốn khổ còn chưa kịp phai mờ trong trí nhớ.
Tôi mở khoá và đẩy nhẹ cánh cổng sắt, gắng không gây ra tiếng động lớn khiến ai đó thức giấc. Cách đây vài tuần, bà chủ nhà đồng ý trao cho tôi một chìa khoá cổng. Có lẽ tôi đã đủ độ tin cậy với bà cụ chủ nhà đa nghi. Hoặc bà cụ thông cảm với công việc làm đêm của tôi. Chà, nếu như biết tôi dẫn vào nhà một cô gái, dù là kẻ thù của tôi, hẳn bà sẽ giận dữ ngất xỉu mất. Dường như đọc được ý nghĩ giấu kín của tôi, cô nhóc nhón chân, không gây tiếng động, lỉnh ngay vào trong. Tuy nhiên, cô ta lại hơi hấp tấp khi lao thẳng về phía ngôi nhà lớn. "Xuỵt... uỵt...!" - Tôi rít lên như con rắn hổ mang. Cô nhóc Châu quay phắt lại.
- Cô nghĩ với bộ dạng của mình, cô dám lọt vào cái phòng khách đẹp đẽ đấy hả? - Tôi thì thào mỉa mai.
- Chẳng lẽ sinh viên bảnh bao như anh lại ở trong cái nhà kho kia ư? - Cũng thì thào, cô nhóc hất cằm về phía căn phòng tôi ở.
- Sad but true! - Bài rock hay tuyệt của Metallica thật đúng hoàn cảnh tôi lúc này - Nào, bây giờ thì cô ngậm mồm lại và bước theo tôi về cái kho ấy.
Căn phòng không quá bề bộn. Cô nhóc ngồi vào cái ghế bên bàn học của tôi, mở to mắt quan sát những món đồ đạc ít ỏi hình thù quái dị, tìm kiếm một thứ gì đấy.
- Anh có gì ăn không? - Châu hỏi ngay - Em rất đói.
- Cô nghĩ cô là ai? - Tôi xoa nhẹ vết thương trên má, cáu kỉnh.
- Anh nghĩ sẽ ra sao nếu bây giờ em hét toáng lên! - Cô nhóc mỉm cười nhưng tôi thì ớn lạnh thật sự.
- Làm ơn đi! - Tôi xuống nước - Ngồi yên đây. Tôi sẽ kiếm một thứ gì ăn được cho cô.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian